Đôi khi, người ta nghiện một món ăn không phải vì nó hợp khẩu vị mà đơn giản nó ẩn chứa cốt cách, văn hóa của cả một vùng đất, một xứ sở. Món ăn Quảng không màu mè, không nhiều gia vị, không tốn nhiều thời gian chế biến, tất cả đều giữ nguyên mùi, nguyên hương thơm, vị ngọt nguyên sơ nhưng chứa cả lòng, cả dạ của đất và người nơi đây.

http://amthucxuquang.vn/

Ẩm thực xứ Quảng là thịt heo nhà quê vừa nạt vừa mỡ rửa sạch, luộc sôi, xắt mỏng kèm với vài cộng rau thơm, vài cộng xà lách và một mớ nước mắm đặc quyện mùi biển ăn kèm với bánh tráng. Nước mắm ít đường, nhiều tỏi ớt kéo theo cả vị mặn thơm đặc trưng của cá cơm. Chỉ cần cắn một miếng bạn sẽ cảm nhận được cái mặn tê nơi đầu lưỡi, đó là cái vị thơm nồng của lưới, của  thuyền chài.

                              

Cắn đến miếng tận cùng, bạn sẽ  nhận ra dư vị ngọt thanh, không ngọt gắt, không béo, không ngán làm nao lòng bao người con xa xứ và cả thực khách phương xa lần đầu đặt chân đến vùng đất “chưa mưa đã thấm”.

Ẩm thực xứ Quảng là gà ta thả vườn dai thịt, vàng ươm trộn với muối tiêu ít muối nhiều tiêu và vài cộng rau thơm, vài lát hành tây. Tiêu xứ Quảng cay xè, thơm nồng. Gà ta Xứ Quảng chắc thịt, gà dai nhưng không bở, đậm hương hoa núi rừng. Tất cả được khi đưa vào miệng sẽ cảm nhận được vị ngây ngây, beo béo, dai dai, thơm lừng không trộn vào đâu được.  

                               

Ẩm thực xứ Quảng là cá chuồn biển còn nhảy đành đạch vừa được đem về từ khơi xa.Cá tươi ướp muối rồi nướng. Hương thơm của cá mang mùi của mẹ thiên nhiên, tinh khôi và nguyên vẹn. Bạn sẽ không khỏi suýt xoa khi nghe mùi cá chuồn nướng sồng sộc vào mũi rồi suýt xoa bỏ cá trong tay nóng hổi,  tay thổi phù phù chuyền từ tay này qua tay khác, miệng nhai từng miếng cá và không quên hít hà. Cá thì mặn và thơm như lòng, như dạ người Quảng vậy!

                                

Nếu bạn có dịp đến xứ Quảng vào mùa ốc sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những xô ốc nóng hổi được bày bán ở khắp nơi, hương thơm lan tỏa khó cưỡng lại .  

                                 

Tất cả mọi người từ già trẻ lớn bé tụm năm, tụm ba ngồi lễ ốc gạo, vừa lể ốc vừa nói chuyện rôm rả. Có thể bạn sẽ thắc mắc vì sao con ốc nhỏ xíu chỉ bằng hạt cườm áo mà người ta có thể kiên nhẫn ngồi lể từng con như vậy, ăn vậy bao giờ mới no , bổ béo gì mấy thứ đó. Nhưng bạn có bao giờ nhận ra rằng rằng lể ốc gạo cũng như cắn hạt dưa vậy, đây là ón ăn mà người quê tôi thường gọi là ‘’ăn cho vui’ chứ mục đích cuối cùng không phải là ‘ăn cho no’’.  Ốc gạo không bao giờ ăn một người mà phải nhiều người mới ‘’ngon’’. Cảm giác vừa lể ốc vừa bàn tán đủ thứ chuyện phiếm trên trời dưới đất , tay thì lể, miệng thì vừa nói, vừa cười, vừa ăn thật khó quên mà chỉ người  con ven biển miền Trung như chúng tôi mới hiểu.

Ẩm thực xứ Quảng là cả tiếng : “chừng mô con về rứa, má làm con gà gửi vô cho con nghe!” của mẹ. Là giọng: “mai mốt chi về ba con mình đi đốt tổ ong dều nghe con” của cha. Là cái tiếng chát chát, cưng cứng, nặng trịch, khó nghe “chi, mô, răng, rứa” của đồng hương nơi Sài Thành nhiều đèn đốm. Người Quảng là thế, nghĩ gì nói đó, không cầu kì, kiểu cách, không giỏi ăn nói hơn bất kì vùng miền nào. Thế nhưng giữa cái nắng như thiêu, giữa biển người nhúc nhích từng chút vì kẹt xe trên đường phố Sài Gòn, ta cũng dễ dàng bắt gặp những câu chào: “ủa Quảng Nam hả? Ở chỗ mô rứa. Mình cũng Quảng Nam nè!”. Một lời chào thôi cũng xua tan bao mệt nhọc, bao ngột ngạt của những người con xa quê hàng ngàn cây số đi tha hương cầu thực.

Có lẽ đây cũng là một trong những sợi dây vô hình gắn kết mọi người lại với nhau, một trong những nguyên nhân tạo nên tính kiên nhẫn, chân chất , thật thà không trộn lẫn với bất kì nơi đâu của những người con xứ Quảng.

Chính cái vị chân thật thật, gần gũi, mặn mà trong cốt cách người Quảng mà mỗi món ăn Quảng đều tạo nên vị khó quên.

Nhớ đến một món ăn không hẳn vì ngon mà đơn giản nó gắn liền với những kí ức, những niềm thương, nổi nhớ khó quên. Đó là những kí ức in sâu vào tâm thảm, trở thành dòng sữa mát lành  nuôi dưỡng  tâm hồn , những kí ức vẹn nguyên, hoang sơ và  tinh khôi nhất đi theo ta cho đến cuối cuộc đời.

Giờ đây, tôi đã đặt chân đến một vùng đất khác, một thành phố được xem là phồn hoa bậc nhất cả nước, mọi thứ vật chất tiện nghi  hiện đại gấp trăm lần nơi  ‘’chôn nhau cắt rốn’’. Nhưng sao tôi không thể nào quên hương vị đặc trưng của quê hương. Vị thơm dịu của mật ong rừng, vị thơm nồng của tiêu, vị hăng hăng của củ nén, vị mặn chát của nước mắm, vị đặc trưng của tỏi Lý Sơn, màu vàng tươi của nghệ, – tất cả hòa quyện vào nhau trở thành một mùi hương mê hoặc, níu chân tôi  hẹn ngày trở về.

Giữa Sài Gòn tự nhiên tôi thèm ăn món Quảng!

Nghiện Quảng rồi biết phải làm răng

http://amthucxuquang.vn/

Nguồn: amthucxuquang.vn – Anh Nhàn